CenSkills

Bạn xử lí như thế nào khi gặp những động vật ăn thịt hung dữ trong rừng?

Vào một ngày đẹp trời, bạn đi du lịch trải nghiệm và muốn khám phá núi rừng với bạn bè. Nhưng không may cả nhóm hoặc tình huống xấu hơn là bạn bị lạc vào rừng sâu, gặp động vật hoang dã ăn thịt. Trong trường hợp khẩn cấp này bạn không thể chạy hoặc đánh nó được, vì bản chất hung dữ của thú rừng này chạy rất nhanh và sẽ làm bạn bị thương, thậm chí trở thành bữa ăn ngon của nó nếu như chúng ta phản kháng. Bài viết này Cen Skills sẽ giúp bạn xử lí một số tình huống giúp bạn an toàn khi gặp động vật ăn thịt hung dữ trong rừng.

Nhận biết động vật ăn thịt trong rừng.

1. Hổ

Hổ hay còn gọi là cọp hoặc hùm là một loài động vật có vú thuộc họ Mèo được xếp vào một trong năm loài "mèo lớn" thuộc chi Panthera. Hổ là một loài thú ăn thịt, chúng dễ nhận biết nhất bởi các sọc vằn dọc sẫm màu trên bộ lông màu đỏ cam với phần bụng trắng. Hổ là loài thú lớn nhất trong họ nhà Mèo và là động vật lớn thứ ba trong các loài thú ăn thịt. Hổ là một trong những loài động vật có biểu tượng lôi cuốn và dễ nhận biết nhất trên thế giới với những sọc vằn vện không lẫn vào đâu được. 

2. Gấu

Thú cỡ lớn, nặng 80 -180kg. Gấu ngựa có dáng thân thô béo, trán rộng, tai tròn; chân trước và chân sau có 5 ngón; vuốt khoẻ nhọn và cong; đi bằng bàn; bàn chân sau dài có gót gần giống dấu bàn chân người. Bộ lông dài thô mầu đen tuyền, lông hai bên cổ dài tạo thành bờm. Ngực có yếm hình chữ V mầu vàng nhạt hoặc trắng bẩn. Đuôi rất ngắn, không thò ra khỏi bộ lông.

3. Sói

Sói rừng có vóc dáng nhỏ hơn chó rừng Ấn Độ. Chúng cũng nhỏ hơn chó sói lửa, với cân nặng 5-8kg, dài thân 600-750mm, dài đuôi 200-250mm, dài bàn chân sau 135mm, trọng lượng chung là 6–7 kg. Bộ lông của chúng màu hung vàng có mút lông đen hoặc hung đen tạo thành màu hung nâu xám. Vùng vai của chúng có nhiều sợi lông đen. Khoảng một phần ba đuôi ngoài của chúng màu xám đen. Dài đuôi ngắn hơn nửa dài thân

4. Bò tót

 Đây là phân loài bò tót có tầm vóc to lớn nhất, một con đực to có thể cao tới 2,2 m và nặng trên 2 tấn trong đó, loài bò tót ở Việt Nam là một trong những loài bò tự nhiên to nhất thế giới. Là phân loài bò tót lớn nhất, chúng có ngoại hình đồ sộ. Bò tót cao hơn, con trưởng thành đến 1,9 m, nặng 800-1.000 kg. Trọng lượng trung bình từ 900 – 1000 kg. Đầu to, trán dẹt hơi lõm, có đốm lông trắng trên trán, đỉnh trán giữa hai sừng dô cao. Sừng to khoẻ cân đối, uốn cong lên phía trên tạo vòng cung hình bán nguyệt. Gốc sừng màu vàng xám, mút sừng nhọn đen bóng. Lớp da ở cổ và trước ngực không tạo thành yếm. Bộ lông ngắn mềm mượt màu nâu thẫm hoặc đen xám hơi phớt xanh bóng ở lưng. Lông ở bụng dài màu nâu nhạt

5. Lợn rừng

Trong tự nhiên, lợn rừng là loài thú hung dữ là lì lợm, khi bị thương nó có thể liều lĩnh húc cả trâu khiến trâu bật ngã. Một con lợn trưởng thành được xem là đặc biệt nguy hiểm do chúng có bản tính hung dữ, lỳ lợm có máu điên tiết, chúng rất nhanh nhẹn, có lớp đày và có cặp răng nanh khoằm có khả năng gây chết người. Lợn rừng là loài rất hung dữ, chúng sống lâu trong rừng. Chúng có mõm dài cứng để đào đất, nó mọc 2 răng nanh nhọn hoắt. Đây là thứ vũ khí rất lợi hại của chúng để chống lại kẻ thù và cũng là 1 điểm khác biệt lớn so với lợn nhà, Da và lớp lông lợn lòi rất dày, như 1 tấm áo giáp vững chắc.

Cách xử lí và tự vệ khi gặp động vật hoang dã ở trong rừng

Dù gặp phải bất kỳ loài động vật hoang dã nào, việc đầu tiên, bạn phải giữ bình tĩnh và không được tùy tiện bỏ chạy bởi điều đó sẽ khiến bạn trở thành con mồi trong mắt chúng.

1. Hổ

1.1 Tự vệ khi gặp hổ

a) Cố gắng giữ bình tĩnh và lùi lại từ từ. 

Nếu phát hiện hổ đang rình hoặc đã bắt đầu gầm gừ và có vẻ như sắp bắt đầu tấn công thì bạn cũng cố gắng giữ bình tĩnh. Không nhìn thẳng vào mắt nó nhưng phải đứng xoay mặt về phía nó. Cố gắng đừng quay lưng và bỏ chạy mà hãy từ từ lùi ra xa. Tiếp tục lùi về phía sau cho đến khi không còn nhìn thấy con hổ nữa thì hãy quay lưng lại và nhanh chóng di chuyển ra khỏi nơi đó.

b) Khiến mình trở nên to lớn hơn.

Hãy cố gắng tỏ ra can đảm. Dù bạn có làm gì thì cũng không được chạy. Bỏ chạy không chỉ vô ích mà còn khuyến khích hổ tấn công. Nếu hành động của bạn vô tình khuyến khích hổ đuổi theo thì nguy cơ hổ tấn công bạn là rất cao dù trước đó nó chưa có ý định này. Trong khi từ từ lùi ra xay, bạn hãy cố gắng đứng thẳng nhất có thể. Hãy đứng thẳng để không tỏ ra bạn là một con mồi bất lực. Khi thu người lại, bạn sẽ trở nên yếu thế và nhỏ hơn – cả hai điều này sẽ làm tăng nguy cơ hổ sẽ tấn công.

c) Dọa và tấn công hổ bằng âm thanh.

Những âm thanh đơn giản cũng có thể hổ hoảng sợ nếu nó chưa nghe thấy các âm thanh đó bao giờ. Hãy tạo tiếng ồn bằng bất kỳ thứ gì bạn có, đặc biệt là nếu những thứ đó có thể tạo ra âm thanh to và kỳ lạ.

  • Nếu có súng ngắn thì bạn hãy bắn chỉ thiên để dọa hổ.
  • Nếu có pháo sáng thì bạn hãy đốt và giơ về phía trước.
  • Gõ hoặc lắc các đồ vật bằng kim loại hoặc thủy tinh vào nhau.
  • Nếu muốn hét lên dọa hổ thì bạn hãy hét thật mạnh mẽ. Nếu tiếng hét của bạn lộ ra sự lo lắng thì rất có thể sẽ kích động hổ tấn công.

d) Làm tất cả những gì bạn có thể để sống sót.

Một khi hổ đã bắt đầu tấn công thì nó sẽ không dừng lại. Hãy tiếp tục tạo ra nhiều tiếng động nhất có thể và dùng tất cả những gì bạn có thể che chắn cho mình và tấn công ngược lại để tự vệ. Tránh giả chết, nếu hổ muốn tấn công để ăn thịt bạn thì nó sẽ ăn bạn mà không do dự. Nhớ rằng cơ hội để sống sót cao nhất là khiến hổ bỏ đi, muốn vậy thì bạn phải dọa được nó hoặc khiến nó bị thương. Nếu may mắn sống sót sau khi bị hổ tấn công thì hãy cố gắng cầm máu và tìm hỗ trợ y tế nhanh nhất có thể

1.2 Đối mặt với hổ có khả năng tấn công

a) Cố gắng đánh lạc hướng hổ và nấp kín. 

Hãy để đồ đạc cá nhân lại khi lùi ra xa vì những đồ đạc này có thể khiến hổ tò mò và xao nhãng trong giây lát. Nếu không thể thoát khỏi nơi đó thì hãy cố gắng trốn thật kỹ. Khi đã tìm được chỗ ẩn nấp, nếu bạn muốn đánh lạc hướng con hổ bằng cách ném đồ vật ra xa để dụ nó đi theo hướng đó thì hãy cực kỳ thận trọng. Làm vậy cũng có thể khiến nó phát hiện ra chỗ bạn đang nấp. Chính vì thế, tốt nhất là hãy vứt đồ đạc của bạn ra đường trước khi trốn.

b) Không khiêu chiến với hổ bằng bất kỳ cách nào.

Bạn không nên làm vậy với hổ hay bất kỳ loài động vật to lớn nào khác. Loài hổ sẽ đáp lại sự hung hãn bằng hung hãn và sẽ tự vệ bằng cách tấn công. Đừng ném bất cứ thứ gì vào hổ hoặc cố gắng dùng thứ gì đó đánh nó. Nếu phải tấn công hổ để đánh lạc hướng nó khỏi tấn công người khác thì bạn hãy dùng bất cứ vật gì có thể và đánh nó mạnh nhất có thể. Hét liên tục để dọa và đánh lạc hướng nó khỏi nạn nhân.

c) Tránh xa những con hổ già hoặc bị thương.

Dù những con hổ già hoặc bị thương trông có vẻ yếu ớt và cần được giúp đỡ nhưng chúng vẫn đặc biệt nguy hiểm. Dù gặp một con hổ có tình trạng sức khỏe rất tệ thì bạn cũng cần cực kỳ cẩn trọng. Trong môi trường hoang dã, bạn có nhiều khả năng bắt gặp hổ có sức khỏe không tốt, vì những con hổ không có khả năng săn mồi như khi khỏe mạnh sẽ tìm kiếm những con mồi dễ tiếp cận như gia súc. Điều này sẽ khiến chúng phải đến gần con người hơn bình thường.

d) Không lại gần hổ con.

Dù có yêu thích hay thấy chúng đáng yêu thế nào thì bạn cũng không được lại gần hổ con. Bản năng bảo vệ con của hổ mẹ rất đáng sợ và nó sẽ sẵn sàng tấn công nếu cảm thấy đàn con bị đe dọa. Đừng lại gần hay tương tác với hổ con bằng bất cứ cách nào nếu bạn thấy chúng. Trong môi trường hoang dã, bạn sẽ rất hiếm thấy hổ con vì chúng được hổ mẹ bảo vệ rất kỹ. Vì thế, nếu bạn thấy một con đàn hổ con đi lang thang một mình thì không có nghĩa là hổ mẹ không ở đâu đó gần đấy.

Lưu ý

  • Tránh trèo lên cây để thoát khỏi hổ. Dù loài hổ không thường trèo cây nhưng chúng hoàn toàn có khả năng này và có thể trèo lên theo bạn nếu chúng muốn. Nếu bạn bị mắc kẹt và không còn cách nào khác ngoài trèo lên cây thì hãy cố gắng trèo lên tận ngọn nơi những cành cây nhỏ hơn. Hổ là loài mèo lớn nhất trên thế giới và có trọng lượng rất lớn. Do đó, bạn nhẹ hơn chúng nhiều và có thể trèo lên cao hơn lên các cành cây nhỏ. Tuy nhiên, tốt hơn hết thì bạn vẫn nên từ từ lùi ra xa con hổ và đơn giản là tránh những khu vực có hổ bất cứ khi nào có thể.
  • Đừng bao giờ bắt hoặc giết hổ trừ khi bạn không còn cách nào khác vì hổ là một trong những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
  • Nếu bị hổ cắn, bạn nên tìm trợ giúp y tế để tránh nhiễm trùng.

2. Gấu

Trước hết bạn phải nhớ 3 điều: giữ khoảng cách, cảnh giác và đừng để nỗi sợ choán hết tâm trí. Hầu hết các loại gấu hay động vật hoang dã đều tránh tiếp xúc với con người, vậy nên bạn cũng không cần quá lo lắng về khả năng bị gấu tấn công. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và thường là lúc bạn không ngờ nhất, vậy nên hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết, nếu như bạn không may gặp phải một con gấu hung dữ. Nếu con gấu không nhìn thấy bạn, hãy từ từ lùi về phía sau và khuất tầm mắt nó, không chạy để nó chú ý tới bạn. Tốc độ chạy của gấu nhanh hơn bạn rất nhiều. Nếu nó chú ý tới bạn, hãy tránh nhìn vào mắt gấu, từ từ giơ tay lên, nói chuyện một cách bình thường và dần bước lùi về sau. Không bỏ chạy hoặc có động tác gì đột ngột khiến nó giật mình và trở nên tức giận.

Trong trường hợp gấu không phản ứng lại, hãy giơ tay lên quá đầu và tạo thật nhiều tiếng động. Con gấu dễ mất hứng và bỏ đi nếu nó tưởng bạn to lớn hơn nó rất nhiều và sẵn sàng chiến đấu. Còn nếu nó thực sự có ý tấn công và bạn không thể có chỗ ẩn náu, đừng chạy hoặc nằm chờ chết, hãy đánh trả bằng đá, cành cây hoặc bất kỳ thứ gì khác để giữ khoảng cách an toàn và lùi về phía sau.

Một số điều lưu ý

  • Hãy tạo nhiều tiếng ồn nếu bạn đi vào khu vực có gấu, vì gấu có xu hướng lảng tránh con người. Tốt nhất, nếu đi đến các khu vực này bạn không nên đi một mình. Nhìn chung, càng nhiều người sẽ tạo nên tiếng ồn càng lớn, vậy nên bạn càng ít có khả năng gặp gấu hơn, hoặc nếu xui xẻo bạn cũng sẽ có nhiều người để bảo vệ lẫn nhau hơn.
  •  Khi dựng trại, hãy tách đồ ăn và những thứ có thể gây mùi ra một khu vực riêng cách xa lều. Treo balo lên cây cao, đặt bếp ở cách xa chỗ ngủ. Không đổ thức ăn thừa vào lửa trại vì mùi thức ăn có thể bay rất xa và cất trữ đồ ăn vào thùng chống gấu. Để đề phòng, mang theo một bình xịt chống gấu, đặt ở nơi dễ lấy và có thể tập sử dụng trước.
  • Khi lên kế hoạch chuyến đi của mình, hãy tìm hiểu kỹ các thông tin và cảnh báo nếu bạn đi qua vùng có gấu hoặc các khu rừng rậm. Bạn cũng có thể hỏi những người đồng hành khác hoặc người dân xung quanh khi tới nơi. Và luôn luôn có kế hoạch dự phòng nếu chẳng may bạn không thể đi qua khu vực đó.
  • Và cuối cùng, hãy luôn cảnh giác và tránh những trường hợp xấu nhất. Đừng tự đặt mình vào nguy hiểm là bạn đã tự bảo vệ mình, đồng thời cũng giúp bảo vệ loài gấu hoang dã còn lại trong tự nhiên

3. Sói

Sói thường sống và di chuyển theo bầy đàn. Nếu bạn nhìn thấy một con sói có nghĩa là những con khác chắc chắn cũng đang ở quanh đó. Vì vậy, nếu con sói bạn nhìn thấy cách bạn một khoảng khá lớn, hãy từ từ bước đi khỏi đó trong lặng lẽ cho đến khi tới nơi an toàn. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa bạn và con sói rất gần và nó đã chú ý tới bạn, dưới đây là những gì bạn nên làm:

  • Từ từ lùi lại phía sau và đừng quay mặt đi đâu khác.
  • Nếu con sói tiến lại gần, bạn hãy gào to hết mức vào mặt nó và ném bất cứ thứ gì đang có trên người vào nó. Hãy chú ý tới bước chân của bạn, vì nếu bạn vấp ngã, con sói sẽ vồ tới tấn công bạn ngay lập tức.
  • Trong trường hợp đó, bạn hãy tấn công một cách mạnh mẽ và ác liệt nhất vào mắt và mũi nó. Khi thấy bạn cũng là một đối tượng nguy hiểm, nó sẽ rời đi

4. Bò tót

Hãy giữ khoảng cách với bò rừng vì bò rừng chỉ tấn công khi có người lại gần nó. Đừng để vẻ ngoài hiền lành chậm chạp của chúng đánh lừa, bò rừng có thể chạy nhanh gấp ba lần con người và sức húc rất khỏe. Nếu bạn vô tình lại gần bò rừng và thấy nó có dấu hiệu muốn tấn công bạn, hãy từ từ bỏ đi. Bạn hãy tìm chỗ ẩn nấp sau cây cối, tảng đá hoặc bất kỳ vật thể nào đủ lớn để che khuất hoặc trèo lên cây. Sau khi thấy bò rừng đã rời xa, lúc này bạn có thể di chuyển tới nơi an toàn. 

5. Lợn rừng

Lợn rừng vô cùng hung dữ. Vì vậy, nếu bạn phát hiện một con lợn rừng từ xa, đừng dừng lại để chụp ảnh mà hãy rời khỏi khu vực đó ngay lập tức. Nếu bạn cách lợn rừng quá gần, đừng bỏ chạy mà hãy làm như sau:

  • Hãy giữ bình tĩnh và từ từ lùi ra xa.
  • Nếu nó tiến về phía bạn, hãy trèo lên cây. Lợn rừng không thể leo trèo vì vậy sau khi chán chúng sẽ bỏ đi.
  •  Nếu nó điên lên và quyết sống mái với bạn, còn bạn không tìm thấy nơi nào để trốn, hãy chiến đấu với nó. Một cuộc chiến với lợn rừng thường chỉ kéo dài khoảng một phút, bạn hãy chiến đấu cho đến khi nó rời đi.

Với những kiến thức mà Cen Skills đã chia sẻ, hi vọng sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm khi gặp động vật hoang dã trong rừng. Cen Skills chúc mọi người có 1 chuyến đi thật nhiều trải nghiệm, ý nghĩa và an toàn.


Hệ thống đào tạo kỹ năng, thể chất và trải nghiệm Cen Skills ®

  • Địa chỉ văn phòng: số 119 Núi Thành, Hải Châu, Đà Nẵng 
  • Hotline/ Zalo: 0935 468 419 (Mr. Sanh)
  • Email: censkills.edu.vn@gmail.com
  • Website: www.censkills.edu.vn

Đăng ký khoá học

Vui lòng điền vào form đăng ký để được nhận tư vấn thông tin cụ thể về khoá học bạn muốn tham gia!